161 DHS Việt Nam bỏ trốn – Giấc mơ vừa học vừa kiếm tiền và hậu quả không riêng mình ai

Vụ 161 du học sinh Việt Nam đang theo học tiếng tại trường Đại học Incheon bỏ trốn đang được truyền thông Hàn Quốc liên tục đưa tin trong những ngày qua.

Cảnh sát nghi ngờ những du học sinh trên đã bỏ trốn với hy vọng tìm được việc làm chỉ sau một thời gian ngắn học tiếng Hàn. Tuy nhiên, thông tin này lại không gây bất ngờ cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc vì đây không phải là trường hợp đầu tiên.

Nhiều người phê phán gay gắt những sinh viên này vì “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến việc xin visa du học của những người tiếp theo. Nhưng cũng có người lại cho rằng nên thông cảm cho họ vì “mỗi người một cảnh”, chúng ta không thể hiểu hết được những nỗi niềm của người trong cuộc.

Một sinh viên của trường Đại học Incheon cho rằng bản thân phía nhà trường cũng có trách nhiệm trong việc “mất tích” này của 161 DHS Việt Nam này.

Những sinh viên này đang theo học chương trình đào tạo ngôn ngữ Hàn kéo dài 1 năm vừa bắt đầu khoảng 4 tháng trước. Tuy nhiên, kết quả học tập của họ không đủ tiêu chuẩn lên lớp nên nhà trường đã thông báo sẽ không tiếp tục gia hạn visa cho những sinh viên này mà không hề cho họ cơ hội chuẩn bị nào.

Rất nhiều học sinh đã bị dồn đến đường cùng – “Đằng nào cũng mất một cục tiền để sang Hàn rồi, chi bằng đi làm để kiếm lại ….”

Nhiều người đặt câu hỏi: Những sinh viên này liệu đã có ý định bỏ trốn từ đầu? Hoặc họ thực sự muốn học nhưng vì năng lực tiếp thu yếu? Do hoàn cảnh khó khăn? Bị bạn bè rủ rê?

Những trường đại học “khát” sinh viên

Do dân số giảm và tiêu chuẩn chọn trường của sinh viên trong nước ngày càng cao nên nhiều trường đại học Hàn Quốc phải đối diện với vấn nạn thiếu sinh viên. Không tuyển sinh được có nghĩa là trường sẽ gặp khó khăn về tài chính và có nguy cơ đóng cửa.

Xuất phát từ nguyên nhân này, các trường đại học Hàn Quốc đã phải tìm đủ mọi cách để kêu gọi sinh viên nước ngoài nhập học. Các trường này kết hợp chặt chẽ với các trung tâm du học tại Việt Nam, họ mở các đợt tư vấn du học quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với các nội dung hấp dẫn như: “Lý do phải học trường …”

Ngoài tuyển sinh sinh viên học tiếng, có nhiều trường đại học còn hạ tiêu chuẩn tuyển sinh viên đại học. Tức chỉ cần TOPIK 2 và có khả năng đóng học phí là bạn cũng có thể nhập đại học ở Hàn Quốc.

Và vì mục tiêu chính của trường là thu hoc phí nên quá trình phỏng vấn rất sơ sài. Vô hình chung, con đường du học trở thành cách nhập cảnh vào Hàn Quốc dễ dàng.

Sang Hàn Quốc bằng đường du học là dễ nhất?

D4-1 là visa Hàn Quốc cấp cho những đối tượng có nhu cầu đi học tiếng Hàn tại các trường có Trung tâm Hàn ngữ. Đây là loại visa phổ biến nhất dành cho du học sinh với điều kiện khá đơn giản, bao gồm: là người nước ngoài, đã tốt nghiệp THPT với điểm tủng bình ba năm cấp 3 từ 5.0 trở lên, không có tiền án tiền sự, không bị cấm xuất nhập cảnh ở Việt Nam và Hàn Quốc, không có người thân cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc …

Do thủ tục đơn giản và tỉ lệ đậu visa cao, ngày cành nhiều người trẻ Việt Nam tìm đường sang Hàn Quốc bằng con đường xin visa D4-1. Trên Facebook, nhiều nhóm DHS thậm chí còn bày nhau: Cứ sang đi nhưng đừng trốn liền. Giả vờ đi học một thời gian cho quen “đường đi nước bước” đã rồi khi đã kiếm được công việc tốt thì hãy … “bùng”.

Chính vì những “lời khuyên” này mà trong vòng 3 năm, số lượng du học sinh lưu trú bất hợp pháp đã tăng với mức độ chóng mặt, từ 4.294 người năm 2015 lên đến 12.539 người vào năm 2018.

Theo thống kê của Bộ giáo dục Hàn Quốc, tỉ lệ lưu trú bất hợp pháp của du học sinh nước ngoài ở Hàn Quốc năm 2018 là 14% và chỉ riêng sinh viên Việt Nam đã chiếm tới 63%.

Do tỉ lệ trốn ra ngoài làm việc nhiều, kể từ 1/1/2020, du học sinh quốc tế muốn sang Hàn Quốc học tiếng bắt buộc phải có bằng TOPIK 2 mới được cấp visa D$-1.

Niềm tin ngây thơ của gia đình

Mỗi người tìm đến Hàn Quốc với một mục đích và hoài bão khác nhau. Có những học sinh mới vừa rời ghế nhà trường phổ thông trung học đã chuẩn bị hồ sơ du học Hàn Quốc.

Số tiền sinh viên Việt Nam phải bỏ ra để có thể đến Hàn Quốc học ngôn ngữ không hề nhỏ, họ thường phải thông qua các trung tâm môi giới để xin Visa và làm thủ tục nhập học. Chi phí ở các trung tâm này khoản 3.000 đến 4.000 USD, chưa tính đến số tiền mà du học sinh cần có trong sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng.

Rất nhiều trung tâm du học vẽ ra viễn cảnh cơ hội kiếm việc ở Hàn Quốc cực dễ, có thể “vừa học vừa kiếm tiền” để phụ giúp gia đình. Và thế là cả gia đình sẽ lo tiền cho con đi du học và coi đó như là một sự “đầu tư” vì nghĩ rằng con em mình đi “nước ngoài” là sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Nhưng đi du học là một sự đầu tư lâu dài, cần rất nhiều thời gian mới có thể thu về thành quả.

Vậy mà có những gia đình bố mẹ còn so sánh, con nhà người ta đi làm mấy năm mà tậu được nhà, mua được xe, trong khi họ đâu biết, quy định làm thêm ở Hàn Quốc vô cùng khắt khe. Người đi học có cố gắng lắm thì cũng chỉ làm thêm để lo trang trải sinh hoạt cho chính bản thân mình.

Đồng tiền của những người “đi nước ngoài”, du là du học, lao động hay cô dâu đều phải đánh đổi từ rất nhieeufu thứ: Tuổi thanh xuân, sự cô đơn trong thầm lặng và còn rất nhiều những thử thách và vất vả không thể chia sẻ cùng ai.

Niềm tin ngây thơ ấy phải chăng là xuất phát từ cái nghèo?

Chính cái nghèo đã thôi thúc người ta dấn thân để mong tìm cho mình cơ hội đổi đồi cho bản thân và gia đình nơi xứ người?

Những cám dỗ

Nhiều bạn trẻ đi du học Hàn Quốc đã rất hối hận sau khi nghe bạn bè dụ dỗ về việc bỏ trốn ra ngoài để đi làm. Nếu là con gái thì ra đi làm cũng chỉ có thể làm việc trong các nhà xưởng với mức lương rất thấp. Còn các bạn nam thì có thể làm ở các công trường xây dựng với mức lương cao hơn, bù lại rất vất vả và nguy hiểm.

Cũng có những câu chuyện về người trẻ trước cám dỗ, kiếm tiền bằng việc bán nhan sắc, sức khỏe qua đêm, sau đó lại rơi vào cái hố sâu ăn chơi, tiêu xài, mua sắm.

Những bạn làm ở công xưởng rất dễ bị người của Cục Quản lý XNC vào kiểm tra bất ngờ, nhiều bạn mới ra ngoài được sáu tháng đã bị bắt được và cho về nước. Khi đó sẽ đấy cả gia đình ra đường bởi vì món nợ ngân hàng chưa thể trả được.

Những ai đi du ọc để rồi đi làm bất hợp pháp ở các công trường xây dựng ở Hàn Quốc sẽ rất thấm thía những bữa ăn cơm vội, bởi vì cảnh sát Hàn Quốc chỉ ập vào kiểm tra khi công nhân đâng ở trong nhà ăn. Họ không vào công trường kiểm tra, do sợ trong quá trình kiểm tra công nhân chạy trốn rồi gây ra tai nạn lao động.

Cho nên những bữa ăn của các bạn làm xây dựng là phải ăn rất nhanh để trở lại công trường nhằm tránh sự kiểm tra bất chợt của cảnh sát hoặc là ăn ngay tại chỗ làm việc.

Rất nhiều trường hợp đã bị bắt chỉ vì cảnh sát ập vào khi đang dùng bữa trưa. Người bán hàng ăn Hàn Quốc còn phải thốt lên một cách xót xa với cảnh sát rằng: “Sao không để ăn xong rồi hãy bắt?” và nhận dược câu trả lời từ cảnh sát là: “Ăn xong rồi lại chạy vào công trường thì sao mà bắt được”.

Du học sinh giờ cũng là đối tượng cảnh giác

Trước đây người ta chỉ cảnh giác với “lao động bất hợp pháp”, nhưng giờ đây “du học sinh bất hợp pháp” cũng đã nằm trong tầm ngắm của văn phòng xuất nhập cảnh Hàn    Quốc.

Mỗi một kỳ tuyển sinh, các thầy cô giáo Hàn Quốc lại “nơm nớp” lo lắng xem kỳ này sẽ có bao nhiêu sinh viên trụ lại? Họ dùng đủ mọi cách, từ dọa nạt đến thủ thỉ, tâm tình, nịnh nọt , những mong cho các em không bỏ ra ngoài.

Nhưng sức người có hạn, sự động viên hay giúp đỡ của các thầy cô giác Hàn Quốc chỉ có hạn. Đó là chưa kể họ phải quản lý cả sinh viên đến từ các nước khác.

Để nói về cuộc sống du học tiếng Hàn, một DHS kể lại: một buổi học may ra chỉ có cơ hội luyện nói đươc 3-4 lượt, hết giờ học thì lại về ký túc xá, đóng cửa ngồi nhà xem phim, thấy không khác gì học tiếng Hàn ở Việt Nam là mấy.

Các bạn DHS cần hiểu rằng giáo dục trong các trường đại học ở Hàn Quốc là “tự thân vận động”. Thay vì trở thành những con chim chờ mớm mồi, các bạn phải chủ động hỏi giáo viên, chủ động làm quen, kết bạn để tạo ra môi trường nói tiếng Hàn cho chính bản thân mình. Đừng vội đổ lỗi cho thầy cô giáo hay nhà trường khi bạn không theo kịp chương trình học, bị tụt lại phía sau.

Tăng cưỡng xử phạt du học sinh bỏ trốn

Theo luật cư trú ở Hàn Quốc, DHS bỏ trốn bất hợp pháp sẽ bị ghi vào “danh sách đen” của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc và thường sẽ không có cơ hội nhập cảnh trở lại.

Người bỏ trốn sẽ bị cảnh sát Hàn Quốc truy nã trên diện toàn quốc và chịu mức phạt tiền có thể lên đến 5.000 USD. Khi bị bắt có thể ngồi tù đến 06 tháng để điều tra hành vi phạm pháp.

Việc bỏ trốn cũng sẽ được chia theo hai trường hợp:

  1. Nếu DHS bỏ ra ngoài lao động khi vẫn còn hạn visa thì sẽ không bị truy quét. Những người này có thể tự mua vé trở về nước khi visa hết hạn bình thường.
  2. Đối với DHS đã hết hạn visa đương nhiên sẽ trở thành đối tượng cư trú bất hợp pháp, dẫn đên việc gặp một loại rắc rối từ việc thuê nhà cho đến việc làm.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định, sau vụ việc 161 sinh viên Việt nam bỏ trốn, có khả năng dẫn tới việc cơ quan chức năng của Hàn Quốc sẽ thắt chặt việc cấp visa du học cho các sinh viên, học sinh Việt Nam trong thời gian tới bằng cách đưa ra những điều kiện mới.

Theo: Thông tin Hàn Quốc

0912747347